tai` lieu cho bai van tren lop ne`
1. Tháng 12/2005, vụ án PMU18 bùng lên gây phẫn uất trong dư luận. Không ai có thể tưởng tượng ông Tổng Giám đốc xuất thân từ một gia đình dòng dõi (bố là tướng quân đội về hưu...) như Bùi Tiến Dũng lại có thể "vác" một lúc vài triệu USD đi đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá.
Tuy nhiên, như một vết dầu loang. Dũng "tổng" chưa phải là kẻ hoang phí đầu tiên và cuối cùng. Hàng loạt "anh em" của Dũng tại PMU18, hay tại các đơn vị "màu mỡ" khác: Vũ Mạnh Tiên, Lương Mạnh Hoa, Nguyễn Việt Bắc... lần lượt lộ sáng. Dư luận đặt câu hỏi: Tiền ở đâu ra để các ông "đốt" khoẻ như vậy?
Câu trả lời rốt cuộc cũng được giải đáp: "Siêu" ban PMU18 được giao quản lý số vốn tới 33.000 tỷ đồng, còn Bùi Tiến Dũng là "ông trời con" khi được giao quyền sinh, quyền sát đối với các nhà thầu muốn lăm le vào cuộc. Công ty Nam Bắc của Vũ Việt Dũng, Công ty Hoa Việt của Nguyễn Mậu Thôn... lần lượt bị phanh phui, cáo buộc là "sân sau" của Dũng "tổng". Một con đường 18 bị "rút ruột" chưa đủ, Quốc lộ 2 cắt băng khánh thành tháng 6/2005, chỉ chưa đầy 6 tháng sau, khi phóng viên VietNamNet quan sát bằng mắt thường dọc tuyến từ Đoan Hùng lên Hà Giang, đã thấy xuống cấp nghiêm trọng.
Gần đây nhất, từ trại tạm giam, Dũng "tổng" khai: "Giá" cứu mạng Dũng là 200.000 USD, nhưng Dũng... không có tiền, nên đành chấp nhận "bị bắt". Hiện lời khai trên đang được CQĐT làm rõ. Tuy nhiên, hơn 3 tỷ đồng đối với "ngài 5 phần trăm" (biệt danh của Bùi Tiến Dũng) có phải là số tiền quá lớn? Hay Bùi Tiến Dũng "nghèo" thật sự.
Một căn nhà trên đường Phạm Huy Thông, giá hiện tại cũng vài chục tỷ đồng. Một biệt thự nữa trên phố lớn của Hà Nội đang cho thuê. Một căn nhà ở đường Trường Chinh... tổng khối tài sản ấy, giá thị trường hiện tại cũng vài chục tỷ. Lời khai của Dũng tất yếu phải điều tra rõ. Nhưng điều chắc chắn là: 200.000 USD, nếu có, sẽ không thể là "giá" cuối cùng. Cái giá đúng nhất đối với Bùi Tiến Dũng: Không ai đủ quyền "cứu" được vị Tổng GĐ một thời "thét ra lửa" ở PMU18, khi hành vi phạm tội đã rõ rành rành như vậy.
Một mảng tối "chạy án" được mở ra.
Tháng 4/2006, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến bị bắt. Trước đó, là hàng loạt thông tin liên quan đến vị Thứ trưởng được đánh giá là "rất có năng lực" này. Sau đó nữa, là cuộc "đấm bốc" giữa Thứ trưởng và Bộ trưởng trên báo chí. Mọi chuyện được phanh phui hết: Quan hệ cá nhân, công việc, "nhờ vả" lẫn nhau... Bộ GTVT "rung rinh" trước sức ép dữ dội của công luận.
Tân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thời gian ngắn sau khi nhậm chức, lập tức điều chuyển ngay Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Lâm về vai trò chuyên viên. Thủ trưởng CQĐT, Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, vì có liên quan đến một bị can trong vụ án, cũng đành chấp thuận sự phân công công tác mới của tổ chức... Báo giới, công luận nhìn nhận những phán quyết mạnh mẽ của Thủ tướng trong thời gian ngắn là khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc chống tham nhũng.
Nhưng vụ án PMU18 là một khối lượng đồ sộ. Hàng chục dự án do "siêu" ban này quản lý, với hàng ngàn công trình, một C14 không thể "kham" nổi. Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc trong 1 cuộc họp báo tại TCCS đã phải lên tiếng: "C14 chỉ điều tra riêng về dự án đường 18. Những dự án còn lại sẽ chuyển hồ sơ về Tổng cục phân công đơn vị khác làm", cho thấy, việc chứng minh tội phạm tham nhũng, không bao giờ dễ dàng, và nhanh chóng, như công luận chờ đợi.
2. Bản án sơ thẩm tuyên 3 bị cáo nguyên là cán bộ lãnh đạo thị xã Đồ Sơn vì tiêu cực đất đai tại địa phương này hình thức: Cảnh cáo, các bị cáo phải nộp 50.000 đồng tiền án phí, đã gây "sốc" đối với công luận. Hàng chục mảnh đất trị giá tiền tỷ được chia chác, mang đi "đối ngoại". Địa phương trù dập người khiếu nại tố cáo... Sự phẫn uất của những người dân Hải Phòng đang chờ đợi một phiên toà tuyên "đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm" suốt mấy năm trời cũng là điều dễ hiểu.
Lại đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải yêu cầu Bộ Công an, kiến nghị VKSNDTC, TANDTC ra kháng nghị, huỷ án sơ thẩm để yêu cầu CQĐT "làm lại" vụ án, cho thấy một lần nữa quyết tâm của Chính phủ. Lại đến lượt báo giới phanh phui ra: Lãnh đạo Hải Phòng đã có sự "can thiệp" sâu vào quá trình điều tra vụ án.
Mục đích của sự can thiệp này, sẽ được làm rõ trong thời gian tới. Nhưng điều đó cho thấy, chống tham nhũng luôn không dễ dàng. Nếu không sự đồng thuận quyết tâm từ trung ương đến địa phương thì không thể thành công.
Trong vụ án này, sẽ thiếu nếu không nhắc tới vai trò của một cá nhân: Ông Đinh Đình Phú. Kinh nghiệm của một đại tá công an về hưu đã giúp "người hùng" của Đồ Sơn sưu tầm, tìm kiếm đủ tài liệu để cung cấp cho báo giới vào cuộc phanh phui sự việc. Chứng cứ rõ ràng, tài liệu chắc chắn, sự thật bị "bóc trần" trên mặt báo như vậy, ra tới toà chỉ là một bản án "cảnh cáo"... Công luận không phẫn nộ mới là điều khó hiểu.
Cũng vì lẽ đó, những vụ án khác chỉ có thể nêu nghi ngờ, đặt dấu hỏi... vì tài liệu của báo chí không thể đủ chứng minh, cũng là điều dễ hiểu. Vì vậy, cần thiết sự mạnh tay của CQĐT khi vào cuộc, sau khi báo chí phanh phui sự việc ra ánh sáng.
Gần đây nhất, Thủ tướng liên tục chỉ đạo Bộ Công an cần nhanh chóng điều ra, đưa các vụ án lớn ra xét xử: Vụ Nguyễn Lâm Thái nâng khống thiết bị bưu điện, vụ Rusalka của "siêu lừa" Nguyễn Đức Chi, vụ PMU18... cho thấy, quyết tâm chống tham nhũng của Chính phủ đang rất quyết liệt.
Và, đó cũng là những vụ án đã được "làm nát" trên mặt báo. CQĐT đã vào cuộc từ lâu.
3. Gần đây nhất, lại là vụ "xà xẻo" tiền cứu trợ đồng bào bị lũ quét ở Hương Sơn - Hà Tĩnh. Rất có thể, số tiền thiệt hại trong vụ việc này không lớn như nhiều vụ án kinh tế khác, nhưng tính chất của hành vi phạm tội thì lại đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của nhân dân.
Vụ việc, kể từ khi được phanh phui, đích thân Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã 2 lần chỉ đạo Hà Tĩnh phải làm rõ, có báo cáo. Bộ Công an cũng vào cuộc để điều tra.
Rốt cuộc, lần thứ nhất (ngày 25/8) Phó Thủ tướng chỉ đạo "phải làm rõ, báo cáo trước ngày 15/9", Hà Tĩnh xin "khất" hẹn. Ngày 21/9, lần thứ 2, Phó Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo "làm rõ, báo cáo trước ngày 20/10", đến nay vẫn không thấy Hà Tĩnh phản hồi.
Tiền cứu trợ nhân đạo, dù từ bất cứ nguồn nào (ngân sách, quyên góp...) cũng luôn là một lĩnh vực "nhạy cảm", ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin, tinh thần "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" của cả dân tộc. BLHS có hẳn một điều luật (Điều 169) ghi rõ tội danh, quy định khu hình phạt đối với mọi hành vi xà xẻo, ăn chặn tiền cứu trợ nhân đạo. Trong bất cứ trường hợp nào, tiền và hàng hoá dùng cho mục đích nhân đạo phải được đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng.
Trong vụ án này, sự quyết liệt chỉ đạo từ Trung ương đã thể hiện rất rõ. Còn ở địa phương, ít nhất đến nay đã có tới 7 đoàn thanh tra về sự việc này. Kết quả 1: Đoàn sau kết luận khác đoàn trước. Kết quả 2: Vụ việc bị phát hiện từ năm 2004, nhưng không hiểu vì lý do gì, đã không được xử lý nghiêm minh. Chỉ duy nhất một cán bộ bị "điều chuyển" từ vị trí Bí thư huyện uỷ Hương Sơn lên làm Phó Ban quản lý kinh tế cửa khẩu Cầu Treo. Kết quả 3: Chỉ đến khi báo chí vào cuộc quyết liệt, vụ việc mới bị phanh phui lên công luận. Kết quả 4: Hai lần Phó Thủ tướng chỉ đạo, có thời hạn báo cáo, tỉnh Hà Tĩnh vẫn liên tục "khất lần".
Việc chống tham nhũng cần thiết phải có sự đồng thuận quyết liệt từ Trung ương về tới Địa phương. Một cơ thể không thể khoẻ mạnh nếu không dám "đại phẫu" để loại những khối ung thư di căn đang ăn mòn cơ thể.
4. Luật, Pháp lệnh Phòng chống tham nhũng trao cho báo chí một "quyền hạn" mới: Có quyền được yêu cầu các tổ chức, cơ quan cung cấp tài liệu về vụ việc, để tiến hành điều tra, trong trường hợp đó không phải là tài liệu bí mật.
Điều đó được nhìn nhận: Quốc hội, Chính phủ gửi gắm niềm tin vào một lực lượng nữa, trên mặt trận chống tham nhũng.
Điều đó cũng được nhìn nhận: Thông tin chống tham nhũng, tiêu cực trên báo chí cần thiết phải chứng minh rõ bằng tài liệu, không thể suy đoán, quy kết.
Điều đó càng được nhìn nhận: Thông tin trên mặt báo phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ động lưu ý, làm rõ, trả lời... trong thời gian nhanh nhất.
Chống tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu... như là một cuộc "đại phẫu" trị bệnh, cần có thời gian, và cần sự quyết liệt đồng thuận từ trên xuống dưới.
Và thời gian cũng là phương thuốc hai mặt bởi nếu không có quyết tâm, thì vụ việc bị phanh phui sẽ bị "chìm xuồng" sau mỗi tháng, mỗi năm.